Như các bạn đã biết, bồn nước chuyên dụng chứa (hoặc đựng) nước phải làm bằng chất liệu đặc biệt chuyên dụng, mới đảm bảo được độ sáng bóng của bề mặt sản phẩm, và quan trọng hơn là bền trong môi trường luôn phải tiếp xúc với nước.
Bồn chứa nước thông thường có 2 loại là bồn nước inox và bồn nhựa. Với nhiều thương hiệu, chủng loại và kích thước khác nhau tùy theo nhu cầu sử dụng.
I. Bồn Inox
Bồn nước inox trên thị trường hiện nay thường có dung tích từ 300 lít đến 6.000 lít, với hai kiểu dáng là kiểu đứng và kiểu ngang.
Bồn chứa nước inox thường sử dụng Inox SUS-304, có độ bền cao từ 20 – 30 năm.
Hiện nay, bồn chứa nước dạng này đang rất được ưa chuộng trên thị trường tiêu dùng và dần thay thế cho chiếc bể bêtông đựng nước truyền thống của người dân Việt Nam.
Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều hãng cung cấp bồn nước như: bồn Inox Dapha, bồn inox/nhựa Đại Thành, inox Sơn Hà, bồn inox Toàn Mỹ, Á Mỹ, Tân Mỹ, bồn nước HWATA, Hồng Giao, Tân Á, Đại Thống, bồn inox Đại Sơn, Trường Tuyền, bồn nhựa Nam Thành...
II. Bồn nhựa
Bồn chứa nước bằng nhựa tuy không đẹp như bồn inox nhưng được sử dụng nhiều nhờ giá cả thấp hơn. Loại bồn nhựa này cách nhiệt tốt, thích hợp cho tất cả các nguồn nước, nhất là nước giếng khoan có nhiều khoáng chất.
Bồn nhựa thường có dung tích từ 300 lít, 500 lít, 1.000 lít.
III. Kinh nghiệm khi chọn mua bồn nước
Thông thường, khi quý khách chọn mua bất kỳ loại bồn chứa nước nào cũng phải đặc biệt chú ý đến các yếu tố quyết định mua hàng như sau:
– Dung tích sử dụng (tùy theo nhu cầu sử dụng).
– Chất lượng/ Hãng sản xuất.
– Chế độ bảo hành, thời gian bảo hành.
Có thể lựa chọn bồn đứng hoặc bồn nằm có kích thước kèm theo để phù hợp với không gian chứa bồn.
Ưu điểm của bồn đứng là sẽ tạo được áp lực nước cao hơn bồn nằm nhưng nhìn có vẻ cồng kềnh hơn.
Bồn nằm có ưu điểm là thấp, dài nên đặt chắc chắn hơn nhưng giá thành lại cao hơn đôi chút do việc làm chân đế to hơn, nên chi phí tăng thêm.
Quý khách hàng nên chú ý đến chiều cao ngôi nhà của mình để chọn bồn chứa nước cho thích hợp. Nếu nhà hai tầng trở xuống nên dùng bồn đứng là thích hợp hơn cả, vì bồn đứng tạo áp lực nước lớn hơn.
Nếu nhà ba tầng trở lên thì nên dùng bồn nằm hay còn gọi là bồn ngang, vì với độ cao này, bồn nằm bảo đảm vững chắc, tránh được gió bão. Tuy nhiên, bồn inox cũng có nhược điểm là hấp thụ nhiệt mạnh nên mùa hè nước nóng, còn mùa đông nước lạnh.
IV. Một số lưu ý khi sử dụng và bảo quản bồn chứa nước trong nhà.
Hiện nay, một số gia đình thường không làm bồn chứa nước trong nhà ở tầng trệt mà bơm nước trực tiếp từ đường ống cấp nước lên bồn chứa trên sân thượng hay trên mái cao. Cách làm này có nhược điểm là dễ bị thiếu nước khi nguồn cấp nước yếu, thất thường… Do đó, bạn nên chọn phương án “thiết kế” bồn chứa ở mặt đất để chứa nước, sau đó mới bơm lên bồn chứa trên cao giúp chủ động được nguồn nước sử dụng.
Nước được chứa trong bồn inox sau một thời gian sử dụng, đôi khi lấy nước thấy bị đục. Nếu để cặn bẩn bám (trong phèn có acid) vào các đường hàn bồn inox thường xuyên sẽ gây gỉ sét và chỗ này là nguyên nhân gây rò rỉ nước.
Vì vậy, người sử dụng nên súc nước trong bồn chứa nước theo hướng dẫn sau:
Trước khi làm vệ sinh phải cúp điện máy bơm nước lên bồn, chừa lại một ít nước bên trong. Dùng cây chà chỉ dành riêng cho việc chà vệ sinh bồn dài khoảng 1,2 – 1,5m. Có thể vừa chà, vừa dội thêm nước để súc và mở lỗ xả ở đáy thoát chất bẩn. Nên vệ sinh bằng phương pháp cơ học như trên, không nên sử dụng bất cứ một loại hóa chất nào để súc rửa. Nếu bồn quá bẩn, phải dùng xà bông thì phải bảo đảm rửa thật sạch.
Nên chú ý tránh đụng chạm đến các thiết bị van, phao tự động điều khiển trong hệ thống bơm nước. Nếu là bồn nhựa cũng thao tác như trên và lại càng không nên sử dụng hóa chất để súc rửa. Ngay cả xà bông cũng dễ gây hôi và khó tẩy hết mùi. Với nguồn nước giếng thì nên súc rửa khoảng 1 tháng/lần.
Nếu như khu vực nhà bạn có nguồn nước tốt hơn như nước máy ở các khu vực trong nội thành, có thể vệ sinh 3 tháng/lần hoặc 6 tháng/1 lần.
Theo Chợ xây dựng